Khi tăng lương tối thiểu, ngay lập tức sẽ có 3 thiệt hại xảy ra: Doanh nghiệp tăng thêm chi phí từ các phí bảo hiểm và phí công đoàn; Người lao động sẽ mất đi một phần thu nhập hàng tháng để đóng các loại bảo hiểm đang tăng lên; Nhà nước sẽ mất đi một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng.

  Ông Bùi Đức Thịnh – Chủ tịch HĐQT May Sông Hồng

Mấy tháng nay, trên diễn đàn thông tin đại chúng xuất hiện nhiều cuộc tranh luận gay gắt về cái gọi là “Lương tối thiểu”, giữa một bên là VCCI và các Hiệp hội với một bên là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Là người đã từng có thời gian khá dài trong quân ngũ thời chiến tranh chống Mỹ rồi làm chính trị chuyên nghiệp trước khi được điều động sang làm doanh nghiệp, đến nay đã gần 30 năm gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi cùng doanh nghiệp, tôi có đủ bản lĩnh và trách nhiệm chính trị để góp ý với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về một số vấn đề sau đây.

Theo lập luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm nay GDP tăng lên, xuất nhập khẩu tăng lên, kinh tế tăng lên, năm trước tăng lương tối thiểu trên 14,4% doanh nghiệp vẫn chịu đựng được thì không có cớ gì mà năm nay không tăng lên 16,8% (ban đầu) và hiện nay là (14,4%). Tôi cho rằng lập luận này xa rời thực tiễn và không thể thuyết phục.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói rằng phải tăng lương tối thiểu vì mức lương của công nhân hiện nay không đủ sống. Vậy Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lấy tiêu chí nào để so sánh, khi mà bao sinh viên tốt nghiệp ra trường (chưa nói tới những người thất nghiệp), lương chưa tới 3 triệu đồng, thậm chí cả Tiến sĩ toán học làm việc trong Viện toán cũng chỉ mới có lương trên 3 triệu, rồi những thanh niên nông thôn, bình quân ruộng đất chỉ có một sào Bắc bộ (360 m2), họ phải làm gì để sống được với mỗi ngày chưa đầy 1m2 ấy?

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói rằng: “Nếu không tăng lương tối thiểu, e rằng công nhân sẽ biểu tình, lãn công”, nhưng 96% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có tới trên 70% thua lỗ. Sức sống của đa số doanh nghiệp Việt Nam rất còi cọc và ốm yếu. Trong khi đó, bên cạnh các chi phí trong sản xuất, thì các doanh nghiệp phải gánh chịu thêm các loại phí như phí BHXH, BHYT, BHTN…Hơn thế nữa, đa số các doanh nghiệp cũng đang phải “vật vã” vì thiếu vốn, lãi suất quá cao…nhiều doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính, không thể mở rộng hay tự tích tụ để tái đầu tư… Công nhân biểu tình bởi họ không biết được các doanh nghiệp đang phải hàng ngày gồng mình lên chống chọi, tìm mọi phương cách để mỗi ngày có thể đem lại những gì tốt đẹp hơn cho họ.

Hiện nay không doanh nghiệp nào lấy mức lương tối thiểu để trả cho công nhân mà thực tế các doanh nghiệp đang trả cho người lao động cao hơn từ 1,5-2 lần so với lương tối thiểu. Vì nếu trả theo mức lương tối thiểu sẽ không thu hút và giữ được công nhân khi cuộc cạnh tranh lao động luôn diễn ra quyết liệt trên từng địa bàn, từng khu vực, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Theo tôi, khi tăng lương tối thiểu, ngay lập tức sẽ có 3 thiệt hại xảy ra:

Thứ nhất, doanh nghiệp tăng thêm chi phí rất lớn từ các phí bảo hiểm và phí công đoàn, mất đi lượng tiền quan trọng để có thể tái đầu tư hay mở rộng sản xuất.

Thứ hai, người lao động sẽ mất đi một phần thu nhập hàng tháng để đóng các loại bảo hiểm đang tăng lên.

Thứ ba, Nhà nước sẽ mất đi một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng, trong khi ngân sách Nhà nước vẫn đang còn rất eo hẹp.

Không ngừng tạo thêm nguồn việc làm cho số thanh niên nông thôn và cả ở thành thị là chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước. Nhưng một khi các doanh nghiệp buộc phải co lại, không dám thu hút thêm nhiều lao động vì các chi phí rất lớn kia, thì vô hình, chúng ta đã đi ngược lại các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một bộ phận không nhỏ thanh niên nghèo khó vùng nông thôn sẽ không có cơ hội được vào làm việc trong các nhà máy tại quê hương của họ nữa, khi mà lẽ ra, hoàn toàn có thể.

Doanh nghiệp của tôi hiện có gần một vạn lao động, nộp ngân sách nhà nước gần 60 tỷ mỗi năm. Bảo hiểm các loại mỗi năm nộp trên 116 tỷ đồng. Kế hoạch phát triển qui mô lên 15 nghìn người trong một vài năm tới buộc phải ngừng lại vì lương tối thiểu tăng đột biến trong năm 2015 và năm 2016 tới. Chỉ tính riêng 2 năm này, doanh nghiệp phải chi tăng thêm trên 40 tỷ đồng bảo hiểm. Với các doanh nghiệp lời lãi mỗi năm chỉ vài chục tỷ, coi như mất hết. Năm 2018, theo qui định mức đóng bảo hiểm mới, thì số doanh nghiệp bị thua lỗ và phá sản sẽ vô cùng nhiều, bất ổn xã hội là từ đó mà ra, đâu có khó khăn gì để không nhận biết được để rồi đổ lỗi hay phê phán doanh nghiệp.

Về bản chất, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn khác biệt với các doanh nghiệp nước ngoài. Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh đã từng nói, các doanh nghiệp nước ngoài đâu có ăn đời ở kiếp với Việt Nam. Còn các doanh nghiệp Việt, Tổ quốc, dân tộc, đồng bào của mình là những điều thiêng liêng, cao cả nhất mà họ đều luôn tâm nguyện phụng sự. Ý chí của họ, lòng can đảm và trí tuệ của họ không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới này, nếu như họ được sống trong môi trường luôn thông thoáng, rộng mở, họ đều có thể dời non, lấp biển. Đất nước nhất định sẽ cường thịnh và tự hào về họ!

  Bùi Đức Thịnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *