Khẳng định vai trò tập hợp, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tham mưu cho Đảng, Nhà nước; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư; Đào tạo và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế; Đại diện giới sử dụng lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững; Phát triển, đổi mới tổ chức, bảo đảm hoạt động cơ quan chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả… là những kết quả mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đạt được trong năm 2015 vừa qua.

Ngày 19/1/2016, VCCI đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ 3, khóa VI, nhằm tổng kết công tác của VCCI năm 2015 và đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác của VCCI năm 2016. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã chủ trì, chỉ đạo Hội nghị.

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký VCCI; bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI; ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI; ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI; ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI; ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI

Một năm thành công vượt bậc với những dấu ấn nổi bật

Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết: Chúng ta vừa trải qua năm 2015 – một năm, mà mặc dù môi trường kinh tế vĩ mô đã trở lại ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế bước đầu được phục hồi, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn hết sức khó khăn. Giá nông sản và nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm trong khi chi phí, giá thành sản xuất vẫn ở mức cao. Ngoại trừ giá dầu giảm, các chi phí khác vẫn tiếp tục gia tăng: chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí hành chính… đè nặng lên vai các doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, của Ban chấp hành VCCI cũng như những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của Ban thường trực, của cơ quan VCCI, VCCI đã hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2015 với những dấu ấn nổi bật. Cụ thể:

1. VCCI đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ VI với tinh thần đoàn kết, dân chủ và thống nhất cao, mở ra một giai đoạn phát triển mới năng động, sáng tạo hơn.

2. VCCI đã chủ động tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc khối doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ nhất, khẳng định vai trò, vị thế của VCCI đối với công tác thi đua khen thưởng khối doanh nghiệp, doanh nhân, tạo điều kiện cho VCCI trở thành một đầu mối thi đua, khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân độc lập với các bộ, ngành trung ương và các địa phương. Lần đầu tiên VCCI đã được chọn cử đoàn đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân riêng đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII.

3. VCCI đã chủ động đề xuất và tổ chức thành công đoàn Diễu hành Khối doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tham gia Đại lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tiếp tục bảo vệ vị trí của đội ngũ doanh nhân trong các giai tầng xã hội trong hệ thống chính trị và trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta (sau nỗ lực đưa doanh nhân vào Hiến pháp 2013).

4. VCCI đã hoàn thành tốt các chương trình công tác chuyên môn thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực: Đại diện bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu cho Đảng và Nhà nước, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, xúc tiến thương mại – đầu tư, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp. Các ý kiến tham mưu, tư vấn xây dựng pháp luật, góp ý thẩm định phương án kết thúc đàm phán TPP, tham gia đàm phán và kiến nghị Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vừng năm 2016, đề án quốc gia khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là ở cấp tỉnh, thành phố; các báo cáo khảo sát nghiên cứu PCI, MEI, chương trình giám sát thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan theo tinh thần nghị quyết 19… là những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của VCCI.

5. Năm 2015, sau Đại hội VI của VCCI, cơ quan VCCI cũng đã khởi động một giai đoạn đổi mới tiếp theo theo hướng xây dựng một cơ quan VCCI chuyên nghiệp và sáng tạo hơn, đã bước đầu tạo ra một không khí mới cho tập thể cán bộ nhân viên và các hội viên.

6. VCCI tiếp tục được các cơ quan Đảng và Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Các tổ chức quốc tế đánh giá VCCI là một Phòng Thương mại và Công nghiệp mạnh trên thế giới và là một tổ chức có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam.

7. Trên cơ sở ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của VCCI những năm gần đây, tiếp theo nghị quyết 09 của Bộ chính trị khẳng định VCCI là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam và giao Đảng đoàn VCCI có trách nhiệm cùng Ban Dân vận TƯ tổ chức thực hiện và giám sát kiểm tra thực hiện NQ 09 về xây dựng đội ngũ doanh nhân trong toàn Đảng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội (năm 2015) đã quy định tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đến quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp đều phải lấy ý kiến của VCCI, Luật dạy nghề (năm 2014) quy định VCCI và các HHDN có trách nhiệm tham gia xây dựng chiến lược và có trách nhiệm thúc đẩy công tác giáo dục nghề nghiệp của đất nước. Đây là lần đầu tiên, vai trò của VCCI đã được luật định bởi Quốc hội.

8. Đối với Chính phủ: Một loạt nghị quyết của Chính phủ như NQ 19/2014-2015, NQ 36a/2015, NQ 25/2015 và Chỉ thị 11 (2014) của Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định rõ vai trò của VCCI trong việc tham mưu, phản biện, thúc đẩy, giám sát chương trình cải cách thể chế và thủ tục hành chính, thực hiện chính phủ điện tử của Chính phủ, xây dựng và thực hiện đề án xúc tiến thương mại đầu tư với các đối tác chiến lược của Việt Nam, thúc đẩy các địa phương cải cách thông qua việc tiếp tục triển khai nghiên cứu, xếp hạng và cải thiện chỉ số PCI, phản ánh khó khăn vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp báo cáo Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp, các nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và các Hiệp hội Doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền phổ biến các hiệp định thương mại tư do tới doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững, thực hiện liêm chính trong doanh nghiệp (đề án 12), xây dựng quan hệ lao động hài hòa… cũng được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho VCCI.

9. Để tiến tới Hội nghị cấp cao APEC 2017, VCCI cũng được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức hội nghị thượng đỉnh các tổng giám đốc APEC (APEC CEO sumit 2017), diễn đàn kinh doanh với Việt Nam, hội nghị hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và các phiên đối thoại của ABAC với các nguyên thủ quốc gia…

“Đó là một khối lượng công việc đồ sộ và cũng là những định hướng công việc chủ yếu cho năm 2016 của VCCI” – Chủ tịch VCCI khẳng định.

Tại Hội nghị, Ban Thường trực VCCI đã tổng kết lại công tác của VCCI trong năm 2015. Theo đó, trong năm 2015, hoạt động của VCCI tiếp tục có bước phát triển, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác. Nhiều nhiệm vụ quan trọng đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao VCCI thực hiện. Vị thế, uy tín của VCCI tiếp tục được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các tổ chức quốc tế và cộng đồng kinh doanh nước ngoài đánh giá cao. VCCI đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ công tác chủ yếu đề ra, khối lượng công việc tăng gần 10% so với năm 2014.

Cụ thể, với vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, trong năm 2015, VCCI đã tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập 10 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Tổ chức 560 hội nghị, hội thảo góp ý chính sách, pháp luật với sự tham dự của 95.000 lượt doanh nghiệp.

2015 cũng là năm đầu tiên vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng pháp luật được ghi nhận chính thức trong một đạo luật quan trọng là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 6 được Quốc hội thông qua ngày 22/6/2015. Ngoài ra, với vai trò là Đồng Chủ tịch Liên minh VBF, VCCI đã trực tiếp điều hành tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam (VBF) kỳ giữa năm 2015, tổ chức Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014, phối hợp với các địa phương tổ chức 30 hội thảo cấp tỉnh, thành phố về cải thiện PCI.

Trong năm 2015, VCCI đã tập hợp được gần 150 kiến nghị có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và gửi đến các bộ liên quan để giải quyết, xây dựng 9 báo cáo gửi Thủ tướng và 3 báo cáo gửi Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị.

VCCI đã xây dựng và công bố nhiều báo cáo quan trọng như: Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2014; Báo cáo “Đánh giá về sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập”;Báo cáo khảo sát “Động thái doanh nghiệp Việt Nam 4 tháng đầu năm 2015” tại Hà Nội; Báo cáo nghiên cứu: “Việt Nam chuyển đổi: Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam – 2014” (CAMS 2014). Báo cáo nghiên cứu “Sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam thực thi các FTAs và AEC”. “Báo cáo kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan”…

Các hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục duy trì được tăng trưởng trong năm 2015 như đón 325 đoàn với gần 19.000 lượt doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát và tìm kiếm thị trường tại Việt Nam; tổ chức gần 6.790 lượt doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài khảo sát thị trường, tham dự các hội nghị quốc tế, hội chợ triển lãm tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh…

VCCI cũng tham gia các đoàn đàm phán về kinh tế – thương mại, các Uỷ ban song phương và đa phương về hợp tác kinh tế, các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực như tham dự và đóng góp ý kiến tại kỳ họp lần I/2015 của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Hoạt động đào tạo doanh nghiệp tiếp tục được duy trì với 1.550 khoá đào tạo cho hơn 80.000 lượt doanh nghiệp.

Với công tác phát triển hội viên, VCCI đã kết nạp được 381 hội viên mới, tiếp nhận và cập nhật hồ sơ dữ liệu hội viên cho 340 doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp

Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại, đầu tư; đào tạo và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế; công tác đại diện giới sử dụng lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững; Công tác phát triển tổ chức, bảo đảm cho hoạt động của cơ quan… đã được VCCI quán triệt triển khai và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong năm 2015.

Toàn cảnh Hội nghị

8 nhiệm vụ trọng tâm

Trong năm 2016, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, VCCI sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ công tác trọng tâm.

Thứ nhất, xây dựng và triển khai Chương trình công tác của VCCI thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Chương trình hành động và sơ kết 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình hành động, đề án, dự án thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho VCCI như: Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ năm 2014 và 2015 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 25/NQ- CP ngày 5/4/2015 của Chính phủ; Nghị quyết 36ª/NQ-CP ngày 14/10/2015; Luật số 80/2015/QH13 về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật số 74/2014/QH13 về giáo dục nghề nghiệp; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ…

Thứ tư, tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng, góp ý chính sách pháp luật, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường kinh doanh tại các địa phương thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, điều tra, xây dựng các báo cáo chuyên đề của VCCI.

Thứ năm, tiếp tục triển khai các chương trình, dự án quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững như: Chương trình xây dựng pháp luật, tăng cường vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật kinh doanh; Đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật (Đề án 31); Tiếp tục tiến hành các hoạt động phục vụ cho việc nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015; Phối hợp với đối tác USAID xây dựng kế hoạch hoạt động của Dự án PCI giai đoạn 2016-2019; Chương trình tổng hợp đánh giá mức độ hài lòng, tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động cải cách thủ tục hành chính của ngành Thuế và Hải Quan; Tổ chức Hội nghị đối thoại về thuế, Hải quan và tuyên truyền phổ biến pháp luật về thuế, Hải quan; Hoạt động kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh, nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các Bộ, ngành; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, tra cứu thông tin, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên diện rộng; Chương trình khởi nghiệp…

Thứ sáu, nâng cao hơn nữa vai trò đại diện giới sử dụng lao động. Trong đó, phối hợp triển khai Nghị quyết 04, Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Ban Bí thư về cải thiện tình hình quan hệ lao động tại cấp Tỉnh, phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công. Tích cực tham gia vào các hoạt động tại ủy ban Quan hệ Lao động, Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Hội đồng Năng suất lao động Quốc gia, Hội đồng Quản lý Bảo hiểm Xã Hội…với tư cách là Tổ chức đại diện cho Người sử dụng Lao động.

Nâng cao vai trò đại diện Người sử dụng lao động cấp Trung ương và cấp Tỉnh. Tiếp tục kiện toàn bộ máy của Tổ chức đại diện Người sử dụng Lao động và hỗ trợ việc thành lập các Hiệp hội doanh nghiệp chung ủy quyền cho Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh. Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho các Hiệp hội, hội đồng người sử dụng lao động về quản lý tổ chức đại diện người sử dụng lao động, nâng cao kiến thức về những điểm mới trong Bộ luật lao động sửa đổi 2012, củng cố kỹ năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thành viên trong việc tuân thủ pháp luật lao động, đặc biệt các nội dung mới được đưa vào Bộ luật Lao động về quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, kỹ năng thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Triển khai Đề án tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua việc thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động, tạo môi trường làm việc hiệu quả trong doanh nghiệp.

Thứ bảy, tăng cường một bước cơ sở vật chất kỹ thuật, ngân sách, nguồn nhân lực của VCCI; đẩy mạnh kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, cơ chế quản lý tài chính nội bộ, cơ chế liên kết, phối hợp để nâng cao tính tự chủ, năng động, sáng tạo và hiệu quả công tác của các đơn vị và cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống.

Cuối cùng, tiếp tục nghiên cứu kiến nghị Chính phủ chuyển giao một số dịch vụ công từ các bộ ngành cho VCCI theo thông lệ thế giới.

Tại hội nghị, các ủy viên Ban Chấp hành hoàn toàn nhất trí cao về báo cáo tổng kết công tác 2015 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 mà Ban Thường trực trình bày. Các đại biểu cũng đã có những góp ý nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp như: VCCI cần tiếp tục tạo sức lan tỏa hơn nữa tới cộng đồng doanh nghiệp, phát triển, thành lập thêm chi nhánh VCCI ở khu vực phía Bắc; tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức về hội nhập, hiểu biết về các TPP và các hiệp định FTA mới cho cộng đồng doanh nghiệp…

Các đại biểu cũng đề xuất, VCCI nên sử dụng tiêu chuẩn và tiêu chí của giải thưởng kinh doanh ASEAN để doanh nghiệp soi vào đó nhằm cải thiện và vươn lên tầm cao hơn và nên quảng bá rộng rãi hơn về giải thưởng này…

Một số đồng chí ủy viên Ban chấp hành cho rằng, đối với vấn đề đào tạo doanh nghiệp cần tính thiết thực, đáp ứng nhu cầu hội nhập; xây dựng các tiêu chuẩn doanh nghiệp, cần xây dựng các loại sổ tay (guide book) như sổ tay TPP, sổ tay quản trị…; Cần các chuyên gia về quản trị chất lượng, rủi ro, chuỗi cung ứng…; Xây dựng hệ thống học tập online; Nên có những tư vấn cho doanh nghiệp về sử dụng đồng vốn phái sinh trong vấn đề về tỉ giá….

Kết luận hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc đã tiếp thu, giải đáp và định hướng các ý kiến thảo luận, đề xuất của các thành viên ban chấp hành và quyết định VCCI sẽ phát động: năm 2016 là năm doanh nghiệp hội nhập.

DSB: theo http://enternews.vn/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *