Là “đầu tàu” của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là người “đứng mũi chịu sào” mà hơn lúc nào hết, các quyết sách của họ quyết định sự thành bại doanh nghiệp. Diễn đàn doanh nghiệp giới thiệu những doanh nhân đặc biệt với những thành tựu ấn tượng trong năm 2015 và tin rằng, trong xuân mới, năm mới họ sẽ tiếp tục có thêm nhiều “ấn tượng” mới.
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng:
Trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn, ông Phạm Nhật Vượng vinh dự xếp thứ 974. Đặc biệt, ông còn lọt vào trong danh sách top 10 những tỷ phú mới nổi xuất sắc nhất thế giới. Tạp chí Forbes còn ví vị Chủ tịch Tập đoàn Vingroup như “Donald Trump của Việt Nam” chứng tỏ lĩnh vực kinh doanh bất động sản của ông Vượng có sức ảnh hưởng rất lớn. Được biết, khối tài sản công khai của ông chủ Vingroup là khối bất động sản trải khắp Việt Nam. Hàng loạt dự án quy mô lớn, sang trọng trong lĩnh vực bất động sản, du lịch khách sạn, y tế, sức khỏe, làm đẹp và giáo dục, nông nghiệp… đều thuộc tập đoàn Vingroup và do ông Phạm Nhật Vượng trực tiếp điều hành.
Doanh nhân Mai Kiều Liên:
Bà Mai Kiều Liên là lãnh đạo CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Bà là một trong 2 nữ doanh nhân của Việt Nam được bình chọn là doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Trong 2015, bà rời bỏ vị trí Chủ tịch HĐQT nhưng vẫn nắm quyền điều hành Vinamilk và những quyết sách của bà đưa ra vẫn có tiếng nói với chức danh Tổng giám đốc. Phải khẳng định rằng, vị thế vững chắc của Vinamilk ngày hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của bà Mai Kiều Liên. Bà là người ra những quyết định kịp thời như đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm, tiến hành tái cấu trúc công ty và đặt mục tiêu sẽ đưa Vinamilk lọt vào top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới trong 5 năm tới với doanh thu 3 tỷ USD. Bà Liên đã bày tỏ tham vọng: “Vinamilk sẽ trở thành tập đoàn đa quốc gia và sẽ có những trang trại lớn để 2017 sẽ tự túc 40% nguyên liệu từ bò trong nước, giảm bớt nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài”.
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển:
Tham vọng và chiến lược thâu tóm âm thầm của Bầu Hiển đã được thể hiện rõ nét trong năm 2015 khi có ý định đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực từ cảng biển, sân bay, nhà ga đường sắt, bệnh viện…. Cũng giống như khi mua ngân hàng Nhơn Ái trước đây, hay thâu tóm Habubank, qua đó làm chủ Bianfishco…các bước đi đều rất âm thầm, nhưng táo bạo và gây bất ngờ cho thị trường. Cụ thể, trong năm 2015, Bầu Hiển đã thâu tóm 49 triệu cổ phiếu, tương đương 98% cổ phần của Cảng Quảng Ninh. Với Tcty rau quả Nông sản (Vetetexco), với tỷ lệ sở hữu lên tới 60%, nhóm nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm quyền quyết định đối với toàn bộ hoạt động của Vegetexco. Thương vụ thứ ba là Tập đoàn T&T của Bầu Hiển mua thành công 51,43% cổ phần của bệnh viện GTVT và ông Đỗ Quang Hiển hiện là Chủ tịch HĐQT của bệnh viện này.
Doanh nhân Lê Viết Lam:
Ông Lê Viết Lam, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group được giới kinh doanh kiêng nể như một tỷ phú USD ẩn mình đang dần lộ diện với tên gọi “Vua cáp treo tại Việt Nam”. Sun Group là chủ đầu tư của dự án Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng) với 2 kỷ lục Guinness: đó là tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62 m) và có cao độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81 m).
Mới đây, Tập đoàn Sun Group công bố sẽ đầu tư 6.000 tỷ vào tuyến cáp treo “xuyên” vịnh Hạ Long – cáp treo có điểm đầu tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, sẽ xuyên qua Vịnh Cửa Lục, chạy song song theo cầu Bãi Cháy đến đỉnh đồi Ba Đèo. Với 20 đơn vị thành viên, hơn 1.500 cán bộ nhân viên, Sun Group hiện diện ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, trong đó đang hoạt động mạnh nhất là ở Đà Nẵng với Bà Nà Hills. Hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan – có độ cao 3.143 mét đang xây dựng, Sun Group đã tự tạo nên bước đột phá mới cho mình.
Doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng:
Khi mình đặt vị thế là sản phẩm số 1 Việt Nam, nhưng khi tham gia hội nhập thì sản phẩm của Eurowindow không đơn thuần chỉ khoanh vùng trong một khu vực nhất định, thương hiệu Eurowindow sẽ phải định vị lại thương hiệu của mình đang đứng ở đâu tại thị trường trong nước và khu vực. Chính vì vậy, chúng tôi xác định phải cạnh tranh về chất lượng, giá thành, dịch vụ để xâm nhập và đi tiên phong ở các thị trường này. Trong những năm qua, Eurowindow đã thâm nhập thị trường ASEAN thông qua một số đại lý và văn phòng đại diện tại các nước. Năm 2016, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá thương hiệu tại các nước, phát triển đại lý và các kênh phân phối sản phẩm tại các nước ASEAN. Sau khi làm tốt thị trường, chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư vào thị trường Myanma, Lào. Kế hoạch đặt ra cho năm 2016 là doanh thu đạt 2500 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp tục cơ cấu lại công tác quản trị để cạnh tranh thị trường làm bàn đạp cho hội nhập.
Doanh nhân Lê Phước Vũ:
Doanh nhân sinh năm 1963, là đại diện duy nhất của Việt Nam được chọn từ 18 ứng viên doanh nhân Việt, để tham dự tranh tài cùng 63 doanh nhân khác trong Giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp Toàn cầu do Ernest&Young tổ chức năm 2015. Ở cương vị nhà sáng lập, từ một xưởng tôn nhỏ, ông đã phát triển Tập đoàn Hoa Sen lên quy mô doanh nghiệp có tốc độ phát triển vượt bậc. Năm 2015, Tập đoàn Hoa Sen là công ty duy nhất tại Việt Nam được chọn vào danh sách 132 doanh nghiệp tăng trưởng toàn cầu năm 2015 và chính thức trở thành thành viên của Cộng đồng các Doanh nghiệp tăng trưởng toàn cầu thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ông Vũ nổi tiếng với triết lý kinh doanh ở giai đoạn hội nhập mới: “Lấy năng động để thắng quy mô. Lấy sáng tạo để thắng đối thủ. Lấy nỗ lực để thắng tốc độ”.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức:
Năm 2015, một năm đầy sóng gió của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Cổ phiếu HAG hầu như chỉ ghi nhận diễn biến giảm và đi ngang, thậm chí Cty còn phải đối mặt và xử lý khủng hoảng với tin đồn vỡ nợ, đồng nghĩa vị trí trên sàn chứng khoán ông Đức cũng bị tụt hạng. Tuy vậy, với quyết tâm tái cấu trúc của HAGL từ lĩnh vực bất động sản, đã và đang từng bước hiện thực hóa chiến lược nội địa hóa bò ngoại để chủ động nguồn nguyên liệu sữa tươi và thịt bò với dự án nuôi bò sữa và bò thịt với vốn đầu tư lên đến 11 ngàn tỷ đồng để phát triển đàn bò trước mắt lên đến 120.000 con và cho công suất 500 triệu lít sữa/năm. Đặc biệt, những ngày cuối năm 2015, Tập đoàn HAGL đã chính thức khai trương Trung tâm thương mại Myanmar Plaza hiện đại và lớn nhất TP Yangon với tổng diện tích trung tâm thương mại lên đến 40.000 m2, Myanmar Plaza đi vào hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế với đầy đủ các hạng mục và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giải trí của khách hàng. Trung tâm đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 95% với sự có mặt của hàng trăm thương hiệu lớn quốc tế, Myanmar và Việt Nam.
Doanh nhân Trịnh Văn Quyết:
Với hàng loạt dự án triển khai trên cả nước, FLC đang được coi là hiện tượng trong năm 2015. Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn – Thanh Hóa đi vào hoạt động đầu tháng 7/2015. Trước đó, cuối tháng 4/2015, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn cho Tập đoàn FLC với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng… Có được những thành công này, trước hết phải kể đến chiến lược M&A từ nửa đầu năm với 3 dự án đặc biệt gồm: Dự án Alaska Garden City (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội); dự án Ion Complex Tower (36 Phạm Hùng, Hà Nội) và dự án The Lavender (Hà Đông, Hà Nội), tên mới là FLC Star. Các dự án này đều đang trong giai đoạn triển khai với quy mô đầu tư từ 1.100 – 3.500 tỷ đồng, giá trị chuyển nhượng từ 150 – 300 tỷ đồng. Đầu tháng 7 tập đoàn FLC cũng chính thức “thâu tóm” thành công đất “vàng” 265 Cầu Giấy và đổi tên cũng như đang xây dựng thành dự ánchung cư FLC Twin tower.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo:
Nữ doanh nhân thuộc thế hệ 7x này ngoài cương vị Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings, giữ vai trò hoạch định chiến lược và trực tiếp điều hành một nhóm các công ty lớn thuộc Sovico, đầu tư ở nhiều lĩnh vực như tài chính, dịch vụ hàng không, bất động sản… Chị cũng là nữ CEO duy nhất của ngành hàng không Việt Nam hiện nay. Dưới sự điều hành của chị, VietjetAir đang là ngôi sao hàng không tư nhân trở thành thương hiệu gắn bó với cả du khách, người đi lại trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank, từ một ngân hàng “truyền thống” của Thành phố Hồ Chí Minh, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo đã đưa HDBank trở thành NHTMCP cổ phần hàng đầu, trong top 10 của Việt Nam hiện tại và cũng là NH có chiến lược tiên phong phát triển vươn tầm quốc tế. Năm 2015, lần đầu tiên Tạp chí Tài chính Quốc tế EuroMoney đã trao giải cho một ngân hàng Việt – HDBank, giải thưởng “Ngân hàng Việt Nam quản lý tiền tệ tốt nhất”.
Doanh nhân Thái Hương:
Năm 2015, bà Thái Hương lọt top 50 doanh nhân quyền lực châu Á. Tháng 2.2015, trang trại của bà được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận danh hiệu “Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á”. Tất cả nguyên liệu đó để phục vụ hơn 45.000 con bò được nuôi ở 7 cụm trang trại. Tháng 9/2015, tập đoàn TH tham dự Triển lãm thực phẩm quốc tế tổ chức tại Nga tháng 9/2015 và giành tới 7 giải thưởng (3 Vàng, 3 Bạc, 1 Đồng) thực phẩm tốt nhất thế giới. Tập đoàn TH cũng công bố đầu tư dự án chế biến sữa ở Nga. Vùng trang trại dự kiến rộng đến 140.000 ha, với tổng đàn bò khoảng 350.000 con, một nhà máy chế biến sữa có tổng công suất 5.900 tấn sữa mỗi ngày, tương đương 1,8 triệu tấn sữa mỗi năm, sẽ có thể tạo lập một kỷ lục mới tầm cỡ thế giới.
Những ngày cuối năm 2015, tập đoàn TH tiếp tục bận rộn đón chứng nhận Organic (hữu cơ) tiêu chuẩn Châu Âu (EC 834/2007) và Mỹ (USDA-NOP) từ tay ông Riekele Leonard De Boer –giám đốc điều hành Control Union VietNam (chi nhánh của Control Union nổi tiếng toàn cầu). 37 loại rau sạch, 5 loại dược liệu của trang trại TH, đã vượt qua những kiểm định hết sức ngặt nghèo theo tiêu chuẩn hữu cơ cao nhất của Mỹ và Châu Âu, để được Control Union cộp dấu.
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn:
Ấn tượng nhất trong 2015 của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn là đề xuất trình Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xin được phép mua thêm cổ phần của CTCP dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco). Để thuyết phục Bộ GTVT, ôngJonathan Hạnh Nguyễncam kết sẽ không chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ quản lý để cùng Sasco mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Được biết, Tập đoàn IPP đã mua lại toàn bộ 31 triệu cổ phần của Sasco tương đương 23,60% vốn điều lệ. Trong đó công ty mẹ IPP nắm giữ 21 triệu cổ phần tương đương 16% vốn, hai công ty thành viên còn lại là Công ty TNHH thời trang và mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) mua 6,57 triệu cổ phần, tương ứng 5% vốn điều lệ; Công ty TNHH thời trang và mỹ phẩm châu Âu (ACFC) mua 3,4 triệu cổ phần, tương ứng 2,6% vốn điều lệ. Và trở thành cổ đông chiến lược của Sasco và đứng thứ 2 sau ACV. Vì vậy hiện Tập đoàn IPP là cổ đông chiến lược, đứng thứ 2 của Sasco với 23,60% vốn điều lệ. Có thể nói, việc Sasco và IPP cùng bắt tay nhau hợp tác có thể giúp cả 2 bên cùng có lợi. IPP có thể tận dụng chuỗi cửa hàng có sẵn của Sasco trong khi ngược lại, với kinh nghiệm sẵn có, doanh nghiệp này có thể hỗ trợ Sasco trong việc phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh hàng cao cấp và xây dựng hệ thống phân phối các thương hiệu nổi tiếng.
Doanh nhân Nguyễn Duy Hưng:
Ông Nguyễn Duy Hưng hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI); Chủ tịch HĐQT CTCP Xuyên Thái Bình (PAN); Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM); Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ Cty TNHH NDH Việt Nam.
Ông Hưng được biết đến là một nhà đầu tư có uy tín trên thị trường, thường có những phát biểu có tác động nhất định đến giới đầu tư chứng khoán. Ông là người đã gắn bó song hành cùng lịch sử TTCK Việt Nam trong suốt 15 năm qua và CTCK SSI do ông sáng lập liên tục trong từng đó thời gian luôn ở trong top dẫn đầu thị trường. Đặc biệt qua định chế tài chính này ông đã góp phần thu hút FDI và FII vào Việt Nam rất lớn. Năm 2015 là năm đặc biệt của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng khi ông quay trở lại cương vị Chủ tịch HĐQT PAN, với chiến lược đưa PAN trở thành DN đầu ngành nông nghiệp. Bằng việc bán mảng vệ sinh công nghiệp và đầu tư mạnh mẽ vào các mảng DN, PAN đang được kì vọng với nền tảng hoàn thiện chuỗi cung ứng từ sản xuất trang trại đến bàn ăn của mình, sẽ đưa ra một mô hình kinh doanh nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cao cấp, cho giá trị tăng cao ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.
DSB theo: http://enternews.vn/