Vì danh tiếng, vì lo sợ sự tháo chạy của các nhà đầu tư… trong nhiều năm qua, tập đoàn Toshiba đã “phù phép” để biến lỗ thành lãi, đẩy số tiền khai khống tài chính lên tới 1,2 tỉ USD.
Tập đoàn Toshiba vừa khởi kiện 5 cựu quan chức cấp cao do những sai phạm về kế toán làm lợi nhuận thâm hụt hơn 1,2 tỷ USD trong gần 7 năm qua.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 7/11, hãng công nghệ Nhật Bản đã yêu cầu 3 cựu chủ tịch và 2 cựu giám đốc tài chính phải đền bù 300 triệu Yên (2,4 triệu USD) vì gây ra thiệt hại cho hãng. Những người bị kiện bao gồm ông Hisao Tanaka, ông Norio Sasaki và ông Atsutoshi Nishida – đều từ chức hồi tháng 7 do sai phạm về kế toán.
Đây là vụ bê bối kế toán lớn nhất của doanh nghiệp Nhật kể từ vụ bê bối 1,7 tỷ USD của tập đoàn Olympus hồi năm 2011… Nó khiến Toshiba phải thay đổi cách quản lý, cải tổ bộ máy điều hành và phải bán tài sản.
Sai phạm dưới 3 đời CEO
Vụ bê bối của Toshiba bắt đầu khi cơ quan chức năng phát hiện ra những điểm bất thường trong sổ sách kế toán của công ty hồi đầu năm nay. Các điều tra viên không khỏi thắc mắc khi Ban lãnh đạo Toshiba đặt ra những mục tiêu không tưởng ngay sau khi hoạt động của bộ phận liên quan đến năng lượng hạt nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa Fukushima năm 2011.
Báo cáo dài 300 trang của Ủy ban điều tra độc lập công bố hôm 20/7 còn khẳng định, các sai lệch kế toán ban đầu được phát hiện tại các dự án hạ tầng của tập đoàn thuộc các lĩnh vực hạt nhân, thủy điện, thiết bị điện gió, kiểm soát không lưu và hệ thống đường sắt. Sau đó, khi thẩm tra sổ sách kế toán của các lĩnh vực khác như sản phẩm nghe nhìn, máy tính cá nhân và sản xuất con chip, các thành viên của Ủy ban điều tra độc lập này lại phát hiện thêm nhiều gian lận tài chính khác.
Tập đoàn này đã thuê một tổ chức thứ ba để điều tra việc tiến hành hạch toán và được cho là đã phóng đại con số 170 tỉ yên (tương đương với 1,2 tỷ USD) lợi nhuận. Con số 170 tỉ yên mà Toshiba thổi phồng gấp 3 lần so với ước tính ban đầu chỉ khoảng 50 tỉ yên (tương đương 350 triệu USD).
Theo kiểm toán và điều tra, việc phù phép sổ sách kế toán của Toshiba diễn ra nhiều năm, vắt qua ba đời CEO (tổng giám đốc điều hành), gồm đương kim CEO Tanaka và hai người tiền nhiệm là Sasaki (2009-2013), và Atsutoshi Nishida (2005-2009). Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho biết, cả Nishida lẫn Sasaki đều đi lên từ hai phân ban khác nhau, bằng mặt nhưng không bằng lòng, gây mất đoàn kết nội bộ và hậu quả xấu là điều khó tránh. Đây là hậu quả của một cơ chế quản lý nội bộ kém hiệu quả, không tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh, vi phạm nghiêm trọng các quy định quản trị doanh nghiệp của nhà nước.
Cả ba đời CEO đều có chung quan điểm gây sức ép để đạt mục tiêu doanh thu. Khi không đạt, họ đã tìm mọi cách “biến lỗ thành lãi” buộc cấp dưới làm đẹp sổ sách để che giấu những khoản lỗ khủng nhằm đánh lạc hướng các nhà đầu tư và lừa dối khách hàng. Thua lỗ, nhưng Toshiba vẫn liên tục báo lãi, lợi nhuận ròng tăng gấp 5-6 lần, vượt trên 54 tỷ yên (600 triệu USD), nhất là doanh số thiết bị bán dẫn và thiết bị cho các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài.
Toshiba cho biết, đến ngày 1/10, tập đoàn đã xác định được hơn 30 nhà quản lý cấp cao tham gia vào vụ bê bối này và sẽ có biện pháp trừng phạt họ.
Sự lụi tàn của một ông lớn
Có thể khẳng định, vụ việc này đã làm sứt mẻ hình ảnh của một trong những thương hiệu điện tử nổi tiếng của Nhật Bản. Từ khi Toshiba lần đầu tiên công bố tiến hành cuộc điều tra kế toán vào hôm 8/5 tới nay, giá cổ phiếu hãng này đã giảm khoảng 1/3, trong khi chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật tăn gần 10%.
Tập đoàn cũng đã phải dành ra 8,4 tỷ Yên để dự phòng cho những án phạt liên quan đến những sai phạm trong kế toán.
Ngoài ra, Toshiba cho biết họ đã bán cổ phần tại tập đoàn sản xuất thiết bị y tế Topcon và hãng sản xuất thang máy, thang cuốn Kone Oyj của Phần Lan.
Toshiba cũng đang phải đối mặt với mức phạt từ 300 đến 400 tỉ Yên (3,2 tỷ USD) bao gồm phí phạt 6 năm lợi nhuận bị phóng đại bên cạnh các khoản thâm hụt khác nhau vừa bị phát hiện sau hoạt động điều tra tài chính của ủy ban độc lập đối với nhà sản xuất này.
Hiện Tập đoàn Toshiba cho biết họ sẽ điều chỉnh giảm lợi nhuận một khoản ít nhất 152 tỉ yên, tương đương 1,2 tỉ USD và tiến hành cuộc cải tổ hệ thống quản trị nội bộ để tránh nguy cơ bị kiện. Song điều đó cũng không đủ để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Trước đó, vào năm 2012, Toshiba đã mất dần hình ảnh với người tiêu dùng và cơ quan chức năng tại Mỹ và châu Âu sau khi dính đến các scandal về gian lận giá và vi phạm bản quyền. Hãng đã bị phạt 87 triệu USD vì liên quan đến việc thao túng giá màn hình tinh thể lỏng nhằm thu lợi, gây ảnh hưởng đến công ty đối tác cũng như khách hàng tiêu dùng trực tiếp.
Phán quyết do Tòa án Bắc California (Mỹ) đưa ra nhấn mạnh, Toshiba đã vi phạm luật chống độc quyền và gian lận giá bán LCD. Trong số 87 triệu USD tiền nộp phạt, Toshiba phải trả 70 triệu USD bồi thường cho người tiêu dùng đã mua sản phẩm cuối cùng và 17 triệu USD cho các nhà sản xuất đã sử dụng màn hình LCD của hãng.
Chưa hết, Ủy ban châu Âu cũng từng tuyên phạt hãng này về hành động điều chỉnh giá linh kiện tivi với số tiền phạt vài trăm triệu USD. Quyết định của Ủy ban châu Âu là kết quả của một cuộc điều tra kéo dài từ năm 2007 và Toshiba cùng một số công ty khác bị phát hiện có hành vi điều chỉnh giá linh kiện ống tia cathode trên các sản phẩm tivi và màn hình máy tính truyền thống.
Dsb ( theo dddn )