Thai 31 tuần bé nặng khoảng 1,7kg, dài khoảng 42,5cm, bé đã có móng chân, móng tay, tóc và lông tơ. Da của bé mềm và mịn do bé đang tròn trĩnh hơn để thích nghi cho lúc rời bụng mẹ sau này. Trong tuần thai này, tử cung lớn dần khiến mẹ di chuyển nặng nề và đau tức vùng lưng. Hãy chú ý theo dõi và gọi cho bác sĩ nếu phát hiện dấu hiệu sinh non nhé. Thai 31 tuần phát triển như thế…
Thai 31 tuần bé nặng khoảng 1,7kg, dài khoảng 42,5cm, bé đã có móng chân, móng tay, tóc và lông tơ. Da của bé mềm và mịn do bé đang tròn trĩnh hơn để thích nghi cho lúc rời bụng mẹ sau này. Trong tuần thai này, tử cung lớn dần khiến mẹ di chuyển nặng nề và đau tức vùng lưng. Hãy chú ý theo dõi và gọi cho bác sĩ nếu phát hiện dấu hiệu sinh non nhé.
Thai 31 tuần phát triển như thế nào?
Trong tuần thai thứ 31, bé nặng khoảng 1,7kg, dài khoảng 42,5cm và chiếm nhiều không gian trong tử cung. Mẹ đang tăng gần 500g mỗi tuần, và khoảng nửa số cân nặng ấy là của bé.
Bé đang lớn lên để thích nghi sau khi rời bụng mẹ. Và trong vòng 7 tuần tới, bé sẽ tăng thêm số cân nặng bằng từ 1/3 đến 1/2 trọng lượng khi chào đời.
Bây giờ bé đã có móng chân, móng tay, tóc và lông tơ. Da của bé mềm và mịn do bé đang tròn trĩnh hơn.
Thai nhi 31 tuần đã quay đầu chưa?
Các mẹ biết không, thời gian thai nhi quay đầu ở mỗi mẹ bầu là khác nhau. Thường phải đợi đến tuần thai thứ 35, 36 mới xác định được con đã quay đầu hay chưa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thai nhi đã bắt đầu chúc xuống sớm hơn, khoảng từ tuần thai thứ 28, nhất là với những mẹ mang thai lần đầu. Bằng phương pháp siêu âm, bác sĩ sẽ cho mẹ biết thai nhi trong bụng đã quay đầu chưa.
Một số loại ngôi thai đầu mẹ có thể gặp như:
Ngôi chỏm: phần đầu của bé cúi tốt, khi khám bác sĩ có thể sờ thấy thóp sau của thai nhi.
Ngôi thóp trước: đầu bé không cúi tốt, hơi ngửa, khi khám bác sĩ sờ được thóp trước của thai nhi.
Ngôi trán: đầu bé ngửa lưng chừng, khi khám bác sĩ sờ được từ mũi đến cằm, không sờ được phần cằm của thai nhi.
Ngôi mặt: đầu bé ngửa hết cỡ, khi khám bác sĩ sờ thấy cằm của thai nhi.
Thai nhi 31 tuần chưa quay đầu có sao không?
Như đã nói trên, nhiều trường hợp thai nhi sẽ quay đầu vào tuần 35 của thai kỳ. Chính vì thế, mẹ bầu không nên quá lo lắng nếu thai nhi 31 tuần tuổi chưa quay đầu. Hãy chờ thêm khoảng 4 – 5 tuần nữa, nếu thai nhi vẫn chưa chịu quay đầu thì mẹ có thể gặp bác sĩ để được tư vấn.
Trong trường hợp đến gần lúc chuyển dạ, thai vẫn không xoay thì bác sĩ có thể chỉ định phương pháp sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Cơ thể mẹ bầu 31 tuần thay đổi ra sao?
Cùng với sự phát triển của thai nhi, lượng máu trong cơ thể mẹ đã tăng 40-50% từ khi bé bắt đầu hình thành đến nay. Tử cung đẩy lên gần cơ hoành và chèn vào dạ dày khiến mẹ có thể bị hụt hơi và ợ nóng. Để giảm khó chịu, hãy dựa gối cao khi ngủ và chia bữa ăn thành những bữa nhỏ thường xuyên hơn.
Khi thai lớn dần, mẹ có thể bị đau thắt lưng, nhớ báo ngay cho bác sĩ, đặc biệt nếu trước đây mẹ chưa từng bị đau thắt lưng, vì đó có thể là một dấu hiệu của sinh non.
Nếu không phải do sinh non thì chứng đau lưng là do tử cung đang lớn lên và những thay đổi hormone.
Tử cung đang lớn lên làm thay đổi trọng tâm của cơ thể, các cơ bụng căng ra và yếu đi, thay đổi tư thế và kéo căng vùng lưng gây đau tức.
Những thay đổi hormone khi mang thai cũng làm lỏng các khớp và dây chằng nối khung xương chậu với xương sống có thể khiến mẹ bị mất cân bằng và cảm thấy đau khi đi lại, đứng hoặc ngồi trong thời gian dài, khi trở người trên giường, khi đứng dậy từ ghế thấp hay khi cúi, xách đồ.
Lời khuyên cho mẹ bầu 31 tuần là gì?
Hãy tiết kiệm một số tiền mỗi tuần để giúp cân bằng ngân sách gia đình sau khi bạn sinh em bé. Trở nên phụ thuộc về tài chính sẽ là một thay đổi lớn đối với nhiều phụ nữ, nhất là những người luôn tự hào về sự đóng góp của mình vào thu nhập của gia đình.
Bạn thường chỉ tập trung mua sắm cho em bé mà nhiều khi quên mất chính mình. Nên chăm sóc bản thân mình, và thi thoảng có thể có một chút “quỹ đen” cũng không sao. Những chỗ tiền giấu riêng ấy lại thường là điều khiến nhiều bà mẹ vui nhất mỗi khi ngân sách gia đình bị hạn hẹp.
Nên nắm rõ chu trình hoạt động và nghỉ ngơi của em bé trong bụng bạn. Nếu có gì thay đổi, hơn ai hết, bạn phải là người biết rõ cái gì là bình thường, cái gì không dựa vào những cử động của con bạn.
Như vậy, thai 31 tuần phổi bé tiếp tục phát triển, các bộ phận khác đã khá hoàn thiện. Lúc này mẹ hãy dành thời gian thư giãn với những chuyển động của em bé. Cho dù điều này là khó hình dung với bạn ngay lúc này, nhưng sự thực là nhiều bà mẹ nói rằng, sau khi con đã ra đời, họ thấy nhớ cái cảm giác có em bé cứ cử động bên trong bụng mình.